Cam kết thuế suất về 0%
Theo Bộ Tài chính, sau 3 năm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA) đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc và sẽ tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về kỹ thuật, pháp lý để tiến tới ký kết chính thức. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế.
Đối với nhập khẩu của Việt Nam, chúng ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% dòng thuế và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế. Đáng chú ý, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau 9 năm đối với ô tô dung tích xi lanh lớn (trên 3.000 cc cho động cơ xăng và trên 2.500 cc cho động cơ diezel) và sau 10 năm sẽ xóa bỏ đối với các loại ô tô còn lại.
Trước đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức được ký kết. Linh kiện ô tô và ô tô nguyên chiếc có dung tích xi lanh từ 3.000 cc trở lên cũng nằm trong diện được cắt giảm thuế. Lộ trình để áp dụng mức thuế suất 0% đối với xe ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam là 10 năm. Tương tự, từ năm 2018, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ô tô cho các nước khu vực ASEAN là thành viên AFTA, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm về 0%.
Hiện nay, thị trường ô tô trong nước đã quen thuộc với các thương hiệu đến từ Hàn Quốc như Hyundai, Kia... và đến từ châu Âu như BMW, Audi, Mercedes-Benz, Renault... Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc ô tô vẫn là mơ ước của đại bộ phận người dân bởi các loại thuế, phí ở mức cao khiến giá xe đến tay người tiêu dùng cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Với việc tham gia các hiệp định thương mại nói trên, người tiêu dùng kỳ vọng giá xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh khi mức thuế giảm về 0%.
Vẫn chỉ là “kỳ vọng”
Về lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe ô tô, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho hay, sẽ giảm dần đều từ mức thuế hiện hành trong vòng 10 năm xuống 0% kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN cũng đang trong quá trình giảm thuế. Từ 2015, thuế xe nhập khẩu từ ASEAN là 5% và đến 2018, thuế nhập khẩu xe từ ASEAN sẽ còn 0%. Việc xóa bỏ thuế quan sau khi Hiệp định được ký kết sẽ giúp giảm giá các mặt hàng nhập khẩu. “Khi mức thuế suất giảm dần, lượng xe từ khu vực EU sẽ vào Việt Nam nhiều hơn với đa dạng chủng loại. Khi đó, sẽ có sự cạnh tranh và giá kỳ vọng sẽ giảm”, ông Hà Duy Tùng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, về mặt nguyên tắc, nếu thuế nhập khẩu được xóa bỏ, giá nhiều mẫu xe sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, giá xe ô tô nhập khẩu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về thuế, phí khác. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ô tô theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ.
Với yêu cầu này, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, trong đó có các phương án thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô. Theo đó, xe ôtô dung tích xi lanh trên 3.000 cc sẽ chịu mức thuế TTĐB cao nhất là 75%, tăng 15% so với hiện hành. Ngược lại, những loại xe dưới 1.500 cc sẽ được giảm thuế TTĐB 15% hoặc 20%.
Các chuyên gia cho rằng, thuế TTĐB và thuế nhập khẩu là 2 dòng thuế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá xe nhập khẩu
Vì vậy, nếu cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng thuế TTĐB lại tăng thì giá xe đến tay người tiêu dùng chưa chắc đã giảm. Mặt khác, cắt giảm thuế nhập khẩu được thực hiện theo lộ trình còn việc thay đổi các loại thuế, phí lại phụ thuộc vào điều chỉnh chính sách ở từng giai đoạn, do đó người tiêu dùng vẫn chỉ có thể “kỳ vọng”…
Vy Vy (TTTĐ)