Ảnh minh họa |
Đấy là hình ảnh thân thuộc đầu tiên đối với mỗi người con xa quê. Khi đi xa, cổng làng lưu luyến đưa tiễn. Khi trở về, cổng làng là nơi đầu tiên mở lòng chào đón mỗi người.
Tôi nhớ cổng làng với buổi hẹn hò xao xuyến của tuổi mới lớn cùng với các bạn trai cùng thôn. Trái tim tuổi 18 của cô thiếu nữ run lên từng hồi khi lần đầu tiên biết hẹn hò, lần đầu tiên được cầm tay. Rồi mang theo trong tim hình ảnh thân thương dịu dàng nép bên gốc đa, và lén lau dòng nước mắt chia ly mang tình yêu ấy đi qua chiếc cổng làng yêu dấu. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng dù đi đến chân trời góc bể nào, lòng tôi vẫn hướng về quê hương, về dáng dấp tình yêu mộc mạc nơi chôn nhau cắt rốn. Chỉ thế thôi mà biết bao thương nhớ, vấn vương của tuổi thơ yêu dấu.
Hơn chục năm tôi xa quê hương cũng là bằng ấy thời gian chiếc cổng làng trở đi trở lại trong tâm trí với nỗi niềm da diết mỗi khi hoài vọng những kỷ niệm xưa cũ. Cổng làng gắn liền với hình ảnh mẹ với chiếc cuốc, bó mạ, quang gánh bên vai lúc lắc theo mỗi bước đi tảo tần sớm hôm nuôi con khôn lớn; với hình ảnh của cha bước thập thõm khi ráng chiều nhuộm đỏ cả vạt đồng...
Bây giờ những chiếc cổng làng xưa cũ rêu phong xây bằng gạch được thay thế bằng cổng chào khung sắt kiên cố với dòng chữ hoa in đậm “Khu dân cư, làng văn hóa”. Cổng làng tồn tại bao đời nay, từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, thân thuộc đến mức người ta đôi lúc quên cả sự tồn tại của nó. Cũng dễ hiểu bởi hình ảnh chiếc cổng làng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người và trở thành một phần của cuộc sống, thân thuộc, gắn bó mà chỉ khi xa rồi hay mất đi mới thấy hết ý nghĩa và giá trị của nó.
Vẫn vẹn nguyên trong tôi là chiếc cổng làng, tuy không bằng sắt thép nhưng luôn vững chãi như niềm tin và tình yêu không bao giờ phai, không bao giờ đổi thay, ấy là niềm tin, tình yêu bất diệt về quê hương, xứ sở.
ANH ĐÀO