Kết quả bước đầu
Giai đoạn 2011 - 2013, cơ cấu kinh tế của TP. Nha Trang đã chuyển dịch đúng định hướng. Theo đó, dịch vụ - du lịch chiếm 63,24%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,4%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 5,36%, đúng như mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Tăng trưởng ngành dịch vụ - du lịch bình quân 26,3%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết). Việc thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại đã được chú trọng với nhiều dự án trọng điểm như: Khu Trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang đang thực hiện các thủ tục để xây dựng cơ sở hạ tầng; Trung tâm thương mại chợ Đầm đang di dời các lô sạp để tiến hành xây dựng; các dự án du lịch dịch vụ tại khu vực Tây Nam Hòn Tre, Hòn Một, Trí Nguyên, Đại lộ Nguyễn Tất Thành được UBND tỉnh đồng ý cho nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện. Hạ tầng thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại đang được xây dựng. Toàn thành phố hiện có 18 siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Cụm công nghiệp Đắc Lộc đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đến nay đã thu hút được 15 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 100%. Cụm công nghiệp Trảng É đang được Tổng Công ty Khánh Việt xúc tiến đầu tư để di dời các nhà máy của Tổng Công ty đến, đồng thời thu hút một số cơ sở sản xuất trên địa bàn...
Đô thị TP. Nha Trang đang ngày càng phát triển. Ảnh: Phong Nha Trang |
Ở khu vực vịnh Cam Ranh (gồm TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm), giai đoạn 2008 - 2013, tốc độ tăng trưởng đạt 1,05 lần so với toàn tỉnh (cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp - xây dựng (chiếm 66,4%); dịch vụ - du lịch (chiếm 19,9%), nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm 13,7%)... Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các dự án đầu tư, trong đó chú trọng thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ du lịch nhằm tạo và tăng thêm năng lực sản xuất mới cho vùng. Đến nay, các doanh nghiệp trong khu vực vịnh Cam Ranh đã tạo ra khoảng 20.000 vị trí việc làm cho lao động. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã cơ bản hoàn thành. Đây là điều kiện thuận lợi để khu vực này trở thành khu du lịch cao cấp mang tầm quốc tế theo quy hoạch đã được duyệt.
Khách sạn 14 tầng của Khu du lịch Đỉnh Vàng - Cam Ranh (Sea Lion Beach Rersot) đã đi vào hoạt động và luôn kín phòng và là điểm đưa đón khách độc quyền của công ty Taxi Vàng Asia |
Trong khi đó, kết quả phát triển KKT Vân Phong không mấy khả quan. Việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị, sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, các công trình, dự án trọng điểm chưa đạt mục tiêu. Hiện các dự án chỉ mới thực hiện ở khâu đăng ký vốn, nhiều dự án chưa triển khai thực hiện, có dự án đã hủy. Việc đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng cho các dự án lớn, quan trọng, có tính động lực cho KKT còn hạn chế. Giai đoạn 2011 - 2013, các doanh nghiệp trong KKT Vân Phong đã nộp ngân sách 9.141 tỷ đồng, năm 2013, thu ngân sách tại KKT chiếm 34,1% của tỉnh (cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra). Một số mục tiêu chưa đạt như: thu hút đầu tư (chỉ được 50 dự án, đạt 50% mục tiêu), tổng vốn giải ngân thực hiện các dự án chỉ đạt 1.850 tỷ đồng (3% mục tiêu); giá trị sản xuất công nghiệp 23.315 tỷ đồng, chiếm 23,7% của tỉnh (mục tiêu Nghị quyết đề ra là 40%); tạo 6.000 việc làm (đạt 40 - 50% mục tiêu)...
Nhiều vấn đề cần quan tâm
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng một số mục tiêu cơ bản của các Nghị quyết vẫn đạt được, nhất là trên các lĩnh vực: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài ngân sách nhà nước, các dự án sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ... Qua đó, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, ổn định đời sống của người dân các địa phương.
Để Khu Kinh tế Vân Phong phát triển, cần triển khai nhiều giải pháp đột phá. |
Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa: Thời gian qua, toàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, qua đó giúp các vùng phát triển đúng định hướng. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư vào 3 vùng kinh tế những năm qua còn khó khăn, vì vậy cần tìm biện pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh việc ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, cần sàng lọc, rà soát để kịp thời chấn chỉnh các nhà đầu tư không đủ năng lực. Đối với công tác xúc tiến đầu tư, bên cạnh phát huy kết quả thu hút đầu tư trong nước, cần tập trung xúc tiến đầu tư ngoài nước. Đối với vấn đề tạo nguồn thu mới, cần tập trung đầu tư cho những địa bàn trọng điểm ở 3 vùng, chẳng hạn như tại KKT Vân Phong tập trung đầu tư cho khu vực phía Nam và phải khởi động ngay 1 - 2 dự án có quy mô lớn để tạo động lực phát triển. Đối với việc bố trí vốn đầu tư cho ngành công nghiệp, UBND tỉnh cần có kế hoạch cụ thể; trước mắt cần bố trí vốn trong năm 2015 để đầu tư trước 2 cụm công nghiệp (tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm), có quy mô vừa phải phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung đầu tư các khu tái định cư để phục vụ cho việc đền bù giải tỏa thực hiện các dự án; các khu tái định cư này phải phù hợp với điều kiện của các dự án, có thể do Nhà nước đầu tư hoặc do doanh nghiệp đầu tư... |
Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị quyết vẫn tồn tại một số vấn đề như: danh mục các dự án quá nhiều nên nguồn vốn đầu tư còn dàn trải; tốc độ tăng trưởng một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của 3 vùng kinh tế trọng điểm; công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế, cơ sở hạ tầng các vùng kinh tế trọng điểm thiếu đồng bộ... Những nguyên nhân này đã khiến tốc độ tăng trưởng 3 vùng kinh tế trọng điểm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, bên cạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tỉnh nên chú trọng phân bổ nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp, tạo thêm năng lực sản xuất mới. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương, nếu so sánh với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, công nghiệp Khánh Hòa dẫn đầu cả về quy mô, kim ngạch xuất khẩu... Tuy nhiên, tiềm năng của Khánh Hòa còn lớn, có thể phát triển hơn nữa. Vì vậy, cần phân bổ nguồn lực để đầu tư cho phát triển công nghiệp, không thể dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp được.
Ông Hoàng Đình Phi - Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong cho rằng, để phát triển KKT Vân Phong, cần thực hiện những giải pháp mang tính đột phá. Giai đoạn 2014 - 2015 phải kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đủ tầm cỡ tham gia xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong. Đối với khu vực phía Nam KKT, cần thúc đẩy tiến độ cũng như thu hút các dự án động lực như: hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Vân Phong 1, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn xăng dầu Việt Nam tìm kiếm đối tác thực hiện Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, thu hút các nhà đầu tư vào Khu phức hợp công nghiệp Ninh Thủy. Bên cạnh đó phải thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quy hoạch; quản lý và xúc tiến đầu tư (tập trung xúc tiến đầu tư vào các khu chức năng phía Nam KKT); huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về các chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng...
Đối với TP. Nha Trang, cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Để làm được việc này, TP. Nha Trang cần vận dụng linh hoạt các chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được triển khai từ khi tiến hành lập quy hoạch, công bố quy hoạch, công khai phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư; qua đó nắm bắt kịp thời nguyện vọng của người dân, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết phù hợp.
Ở khu vực vịnh Cam Ranh, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung phát triển Khu du lịch (KDL) Bắc bán đảo Cam Ranh. Theo ông Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Ban quản lý KDL Bán đảo Cam Ranh, thời gian qua tỉnh đã rất quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào KDL bằng nhiều hình thức khác nhau. Đến nay đã có 37 nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 20.240 tỷ đồng. Thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại KDL như: các tuyến đường nhánh, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải... Bên cạnh đó, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, phấn đấu trong năm 2015 có thêm 7 - 8 dự án đưa vào khai thác...
THANH LONG