Tại kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa V, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua chủ trương, nguồn vốn đầu tư một số dự án trọng điểm gồm: Trục đường Bắc Nam khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; Chỉnh trang đô thị, xây dựng kè và đường dọc bờ sông Cái, TP. Nha Trang giai đoạn 2; dự án đường Nha Trang đi Đà Lạt (Cao Bá Quát - Cầu Lùng) và dự án đường Phong Châu, TP. Nha Trang; dự án đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và ghi lại một số nội dung liên quan đến các dự án này.
Khoảng 2.140 tỷ đồng đầu tư trục đường Bắc Nam khu trung tâm hành chính mới
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Căn cứ Kết luận 53 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 07 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2012 - 2015, Dự án trục đường Bắc Nam khu trung tâm hành chính mới của tỉnh được xác định có vai trò quan trọng và được định hướng huy động các nguồn vốn để triển khai đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Mục tiêu của dự án là phát triển không gian đô thị về phía Tây, mở rộng TP. Nha Trang; để di chuyển trung tâm hành chính của tỉnh; bên cạnh đó góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông.
- Ông có thể cho biết quy mô của dự án này?
- Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.140 tỷ đồng, thu hồi khoảng 36,1ha đất các loại và phải di dời một số công trình hạ tầng. Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Tất Thành, điểm cuối giao với đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng. Trục đường Bắc Nam khu trung tâm hành chính mới của tỉnh là loại đường chính đô thị, cấp đường 60; đoạn qua khu đô thị, công viên, trung tâm hành chính mới của tỉnh có chỉ giới 40m, các đoạn còn lại chỉ giới 37m; chiều dài toàn tuyến khoảng 6,3km…
- Dự án sẽ được thực hiện từ những nguồn vốn nào, thưa ông?
- Dự án được xác định có vai trò quan trọng, được xem xét hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương theo Kết luận 53 của Bộ Chính trị và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, dự kiến khả năng sẽ cân đối từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 cho công trình quan trọng theo Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn gồm: vốn Trái phiếu Chính phủ 900 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 1.070 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 170 tỷ đồng.
- Ông có thể cho biết thời gian dự kiến triển khai dự án?
- Dự án Trục đường Bắc Nam khu trung tâm hành chính mới của tỉnh là dự án đầu tư thuộc nhóm A, vì vậy, sau khi HĐND tỉnh thông qua chủ trương cho phép, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình HĐND tỉnh cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng.
Dự kiến, trong năm 2015 sẽ tiến hành lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Tùy điều kiện thực tế và kế hoạch phân bổ vốn, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)
Sử dụng nguồn vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước để thực hiện đường cất hạ cánh số 2
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đường cất hạ cánh số 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 144 ngày 21-1-2015 với tổng mức đầu tư 1.936 tỷ đồng và nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước (có bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất tại sân bay cũ). Dự án này đã được khởi công vào sáng 15-3, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh |
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Sân bay Cam Ranh do quân đội Hoa Kỳ xây dựng và được sử dụng làm căn cứ không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Sau năm 1975, sân bay Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự. Để thay thế cho sân bay Nha Trang nằm trong thành phố bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn, giữa năm 2004, sân bay Cam Ranh được chuyển thành sân bay dân dụng và đón chuyến bay đầu tiên. Năm 2009, sân bay Cam Ranh trở thành sân bay quốc tế với lượng khách trên 500 lượt/năm. Khi đó, quy hoạch nhà ga có sức chứa khoảng 1,5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Nha Trang thông qua sân bay Cam Ranh tăng khá mạnh, nhiều hãng hàng không từ Nga, Hàn Quốc... mở đường bay thẳng đến Cam Ranh. Năm 2014, có trên 2 triệu lượt khách và trong các năm tiếp theo lượng khách còn tăng lên rất nhiều. Tình trạng trên khiến đường băng duy nhất của sân bay Cam Ranh đã cũ nay càng xuống cấp do tần suất hoạt động nhiều. Chính vì vậy, nhiều năm nay, chủ trương của tỉnh là xây dựng một đường băng mới hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu không chỉ của tỉnh Khánh Hòa mà còn của khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên.
“Để đảm bảo nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trình trọng điểm, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép thực hiện thủ tục mượn nguồn vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước năm 2015 là 400 tỷ đồng bố trí cho dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang sang dự án Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh để thực hiện, sau này sẽ hoàn trả bằng nguồn vốn khác theo Luật Ngân sách Nhà nước”, ông Nguyễn Chiến Thắng nói.
Trước đó, ngày 22-12-2014, Bộ Tài chính có công văn đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước năm 2015 là 400 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - hành chính - du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ). Tuy nhiên, do vướng mắc một số thủ tục đầu tư nên đến nay dự án chưa triển khai được.
VĂN KỲ