Du khách nướng cơm lam bằng ống lồ ô |
Tiềm năng du lịch sinh thái
Thác Tà Gụ thuộc xã Sơn Hiệp là thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Sơn nói riêng và Khánh Hòa nói chung. Núi rừng nguyên sinh nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có giá trị cho du lịch sinh thái.
Trước đây, thác Tà Gụ có 2 nhánh, nhìn từ xa trông giống như 2 chiếc ngà voi nên còn được gọi là thác Ngà Voi Đá Đứng. Dòng thác chính có chiều cao 40m, đổ xuống lòng hồ rộng khoảng 200m2, là nơi du khách có thể thỏa thích bơi lội trong dòng nước mát. Cách hồ dưới chân thác vài chục mét, có một hồ nước khá rộng, nước sâu và phẳng lặng như tấm gương lớn soi bóng các cây cổ thụ ven bờ. Một số du khách đến đây thường giăng lưới bắt cá, rồi đốt lửa nướng cá và thưởng thức ngay trên tảng đá to, bằng phẳng bên cạnh hồ. Dòng nước chảy từ lòng hồ về xuôi tạo thành dòng suối trong xanh, dọc theo 2 bên bờ suối có nhiều tảng đá lớn để du khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống, ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Nằm giữa không gian núi rừng hoang sơ, rộng lớn, thác Tà Gụ ngày ngày bung mình trắng xóa, cần mẫn đổ xuống lòng hồ dòng nước mát, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất cho xã Sơn Hiệp.
Bà Viên Thị Lương, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp núi non hùng vĩ của thác Tà Gụ, bà còn rất thích thú khi tìm hiểu về những truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai Khánh Sơn. “Một trong những điều cuốn hút tôi trong chuyến đi lần này là trên đoạn đường đến với thác Tà Gụ, có rất nhiều vườn cây ăn trái, ruộng mía tím hai bên đường. Du khách đến đây không chỉ tham quan cảnh đẹp mà còn được thưởng thức nhiều loại nông sản đặc trưng của Khánh Sơn”, bà Lương hào hứng chia sẻ. Không những thế, trên đường đến Tà Gụ, khi qua cầu A Pa Bưởi, các cầu treo dân sinh của xã Sơn Hiệp, nhiều du khách cũng rất thích dừng chân để ngắm dòng Tô Hạp uốn mình chảy ngược về phía thượng nguồn.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, thác Tà Gụ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh cấp tỉnh từ năm 2009. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng du lịch này mới chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, chứ chưa được khai thác, phát triển bài bản. Phòng cũng đã lập hồ sơ các hạng mục du lịch trên địa bàn huyện để có hướng đầu tư, phát triển, trong đó có thác Tà Gụ nhưng đến nay, mọi hoạt động vẫn còn... nằm trên giấy, do chưa có quy hoạch cụ thể và thiếu nguồn lực đầu tư.
Đề án phát triển du lịch sinh thái
Theo ông Mấu Thái Cư, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện đã đầu tư làm mới tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Sơn Hiệp vào thác Tà Gụ để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Trong đề án phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, huyện Khánh Sơn sẽ phối hợp với TP. Nha Trang, khu du lịch Bãi Dài hình thành các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá núi rừng, tham quan nhà vườn, thưởng thức những nông sản nổi tiếng của địa phương và tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Bên cạnh điểm tham quan chính là thác Tà Gụ, huyện sẽ đưa vào khai thác 2 điểm du lịch mới là khu vực Suối Đá (xã Ba Cụm Bắc) và thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm)...
“Để thực hiện mục tiêu trên, huyện sẽ tiếp tục hình thành và phát triển những khu vực sản xuất tập trung một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để phục vụ du lịch như: bắp nếp, mì goòng, sầu riêng, chôm chôm, mía tím... Đồng thời khôi phục và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó sẽ phục dựng và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai...”, ông Cư cho biết. Ngoài ra, tỉnh đã có chủ trương tiếp tục nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9, mở tuyến đường nối liền khu du lịch thác Tà Gụ - Hòn Bà - Yang Bay, tạo đà phát triển các khu du lịch Suối Đá và thác Dốc Quy. Huyện Khánh Sơn cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Được biết, UBND tỉnh đã giao cho khách sạn Yasaka - Saigon - Nhatrang phụ trách công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư để đưa khu di tích thác Tà Gụ vào khai thác, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đinh Luận