Nhường đất để phát triển kinh tế
Tiến độ thực hiện đề án: Năm 2013 phê duyệt đề án; năm 2014 đến 2015 tổ chức thi tuyển ý tưởng kiến trúc, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập và phê duyệt dự án đầu tư; năm 2016 đến 2017 tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật; năm 2018 đến 2020 hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh thi công các khối nhà làm việc, kết thúc đầu tư, đưa công trình vào sử dụng. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, các CQHC bố trí phân tán, thiếu tính hệ thống, không thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và việc liên hệ công tác của các tổ chức, cá nhân. Hạ tầng các cơ quan đã bị lạc hậu, một số nơi xuống cấp, khuôn viên cũng không còn đủ diện tích để xây dựng mở rộng thêm nên không đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu làm việc. Trong khi đó, theo Quyết định số 518/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 1396/2012/QĐ-TTg, đến năm 2025, TP. Nha Trang sẽ trở thành hạt nhân trong hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa, đóng vai trò then chốt và thúc đẩy phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, TP. Nha Trang đã và đang phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước cũng như khu vực. Vì vậy, nhu cầu phát triển dịch vụ - du lịch của TP. Nha Trang ngày một tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đó, đòi hỏi phải tập trung mọi nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế; trong đó, tài nguyên đất đóng vai trò quan trọng. Quỹ đất TP. Nha Trang đang rất hạn hẹp để phát triển kinh tế, trong khi đó, các CQHC được đặt trên những tuyến đường lớn và một số tuyến đường phục vụ du lịch của thành phố. Đánh giá lợi thế vượt trội của việc sử dụng các diện tích đất xây dựng công sở hiện có vào mục đích phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, UBND tỉnh cho rằng, nếu di dời các CQHC thì sẽ tạo được nguồn vốn rất lớn dành cho ngân sách từ việc bán đấu giá đất, góp phần liên doanh để đầu tư các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tạo kiến trúc cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại. Chính vì vậy, UBND tỉnh nhận định cần thiết phải hình thành một khu trung tâm hành chính (TTHC) mới của tỉnh để đáp ứng nhu cầu làm việc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, xứng tầm với vị thế của tỉnh; đồng thời phát huy được hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Diện mạo tỉnh Khánh Hòa đang ngày càng phát triển, đòi hỏi cần có một trung tâm hành chính xứng tầm. |
Trung tâm hành chính mới có quy mô lớn
Với mục tiêu trên, UBND tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn lập đề án có 4 địa điểm để chọn xây dựng khu TTHC mới. Trên cơ sở phân tích ưu và nhược điểm, UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất địa điểm thuộc khu vực đồng trũng. Thông báo số 41-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã lựa chọn địa điểm xây dựng TTHC mới theo đề xuất của UBND tỉnh.
Địa điểm xây dựng TTHC mới nằm trong khu đất dự kiến xây dựng Công viên Tây Lê Hồng Phong, cạnh sông Quán Trường (phường Phước Hải, TP. Nha Trang); phía Bắc, phía Tây, phía Nam giáp đất đìa tôm; phía Đông giáp sông Quán Trường. Đây là khu đất trống, thuận lợi cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng và mở rộng về sau; cảnh quan tự nhiên phong phú; góc nhìn rộng về phía vịnh Nha Trang; khả năng kết nối mạng lưới hạ tầng của các dự án rất thuận tiện; khí hậu tương đối ôn hòa; thuận lợi liên hệ với các công trình dịch vụ công cộng ở trung tâm TP. Nha Trang. |
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1396/2012/QĐ-TTg; Đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) Khu đô thị - Công viên - TTHC mới của tỉnh và Đồ án điều chỉnh cục bộ trục đường chính Bắc - Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt, TTHC tỉnh đã được quy hoạch với quy mô 32,42ha. Tuy nhiên, với quan điểm xây dựng một khu hành chính tập trung đầy đủ các cơ quan, ban, ngành, phục vụ công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị; tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch hành chính..., UBND tỉnh đã lựa chọn quy mô đầu tư xây dựng TTHC mới của tỉnh với 126ha; tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu khoảng 3.542 tỷ đồng từ quỹ đất các CQHC sau khi chuyển vào trung tâm mới, tỉnh phải tự cân đối khoảng 1.992 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra tại kỳ họp, ông Nguyễn Ngô - Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh băn khoăn về nguồn lực thực hiện. Ông đề nghị UBND tỉnh đánh giá khả năng huy động nguồn lực để đầu tư TTHC trong bối cảnh một số khu vực quy hoạch phát triển cũng cần huy động đầu tư (như: Khu sân bay Cam Ranh, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh...). UBND tỉnh cũng cần phân tích khả năng tự cân đối gần 2.000 tỷ đồng; bởi ngoài việc thực hiện đề án, tỉnh còn phải thực hiện các chương trình, dự án khác trước năm 2015 cũng như những năm tiếp theo. Bên cạnh dự kiến hơn 5.500 tỷ đồng thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình thuộc đề án, UBND tỉnh cần bổ sung dự kiến các khoản đầu tư khác ngoài TTHC (như: đường giao thông, thông tin, điện, nước...), kết nối khu vực này với các khu vực khác để nhìn nhận được bức tranh tổng thể đầu tư khi thực hiện đề án... Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thiện Hùng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh đề nghị UBND tỉnh thuyết minh thêm sự cần thiết phải chuyển các CQHC đến khu vực mới. Khi xây dựng TTHC mới, tỉnh cần lưu ý hoàn thành từng khu một, xong khu nào thì đưa vào sử dụng khu đó...
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đất là sở hữu, tài sản của toàn dân. Nếu sử dụng đất không hiệu quả là có tội với nhân dân, vì vậy cần phải phát huy tối đa lợi ích kinh tế về đất. Về kinh phí, tỉnh sẽ tính thêm phương án nhà đầu tư bỏ vốn ra làm trước, sau đó trừ vào quỹ đất khi chuyển các CQHC cũ”.
Sau khi thảo luận, HĐND đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thông qua Đề án chuyển các CQHC tỉnh Khánh Hòa. Trong tương lai, tỉnh Khánh Hòa sẽ có một TTHC đẹp, xứng tầm với một thành phố trực thuộc Trung ương.