Tại bãi biển trước resort Ana Mandara có nhiều dù và ghế được xếp chiếm phần lớn lối đi công cộng. Hai bên ranh giới đều được căng dây, cắm cờ để ngăn cản không cho người dân và du khách đi qua. Sát vỉa hè, một chòi gỗ được dựng lên chắn ngay lối đi... Cả bãi cát rộng mênh mông chỉ còn khu vực sát mép nước có thể đi qua lại. Nếu du khách hoặc người dân dừng lại trước resort này thì ngay lập tức có bảo vệ tới nhắc nhở.
Chị Trần Thị Trinh Mai (phường Phước Long, TP. Nha Trang) bức xúc: “Chiều hôm trước tôi dẫn con gái đi tắm biển, tôi ngồi trên trông đồ. Thế mà chỉ vài giây sau đã có bảo vệ ra “mời chị đi chỗ khác”. Tôi nói đây là bãi biển công cộng, anh có quyền gì đuổi tôi thì bảo vệ nói đó là quy định”.
Ở Sailing Club, vào các buổi tối nơi này có dựng một sân khấu ngay bãi cát. Người dân đi qua đây thường bị bảo vệ ngăn cản và phải đi vòng sát xuống mép nước. “Họ tổ chức sân khấu hát hò ầm ĩ ngay bãi biển công cộng. Tôi cùng nhiều người đi qua thì bảo vệ bảo phải quay lại hoặc đi vòng xuống biển khiến chúng tôi rất khó chịu”, chị Bảo Ngọc, du khách đến từ Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, bãi biển trước Công viên Phù Đổng cũng có dù và ghế xếp san sát nhau, cờ và biển hiệu được dựng xung quanh, không ai được phép vào. Nhếch nhác hơn nữa là hàng chục chiếc ca nô, mô tô nước đã cũ, hư hỏng xếp hàng ngang ngay trên bãi cát cạnh Công viên Phù Đổng, chắn gần hết lối đi công cộng. Những chiếc ca nô này là của Doanh nghiệp tư nhân Sinh Thái, đã ngừng kinh doanh và xếp đống ở đây hơn một năm nay.
Ca nô, mô tô nước của Doanh nghiệp tư nhân Sinh Thái bày tràn lan trên bãi biển. |
Bãi biển để phục vụ công cộng
Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang khẳng định, các doanh nghiệp làm như vậy là sai hoàn toàn. “Từ UBND tỉnh đến UBND TP. Nha Trang đều quán triệt bãi biển là để phục vụ cho mục đích công cộng, để du khách và người dân hưởng thụ. Không doanh nghiệp nào có quyền cát cứ, chiếm dụng hay xua đuổi du khách và người dân”, ông Thinh cho hay.
Theo ông Thinh, hiện nay chủ trương của UBND tỉnh và UBND TP. Nha Trang là cho các doanh nghiệp đặt ghế, dù trên bãi biển để tạo thêm sản phẩm du lịch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, việc đặt ghế, dù phải theo hướng dẫn và quy định của UBND TP. Nha Trang về số lượng, khoảng cách giữa các ghế, dù để đảm bảo tính thẩm mỹ, thông thoáng bãi biển. Bên cạnh đó, khi làm hợp đồng với các doanh nghiệp, UBND TP. Nha Trang chỉ cho phép kinh doanh dù, ghế chứ không cho thuê đất. Vì vậy các doanh nghiệp không được phép ngăn cản du khách và người dân, không được căng dây, dựng chòi hạn chế lối đi công cộng...
Được biết, trước đây Ana Mandara hợp đồng với UBND tỉnh thuê cả bãi cát và bãi tắm phía trước. Tuy nhiên từ năm 2013, UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chấm dứt hợp đồng cũ, chỉ cho phép kinh doanh ghế, dù. Ông Thinh cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến bảo vệ Ana Mandara vẫn giữ “thói quen” cũ!
Về sân khấu ngoài trời của Sailing Club, ông Thinh cho biết có giấy phép thực hiện dịch vụ này, nhưng trên vỉa hè và phạm vi ngoài sân khấu vẫn là không gian công cộng và mọi người được tự do đi lại. Riêng ca nô và mô tô nước của Doanh nghiệp tư nhân Sinh Thái, hiện Phòng Quản lý đô thị đang trình UBND TP. Nha Trang duyệt để trình UBND tỉnh phương án bố trí kinh doanh loại hình thể thao dưới nước. Nếu được phê duyệt, các dịch vụ vui chơi này sẽ được tổ chức ở ngoài xa, có phao ngăn cách; ca nô và mô tô nước đều phải đậu phía ngoài. Do từ ngày 1-9-2013, UBND TP. Nha Trang chấm dứt hoạt động kinh doanh trò chơi thể thao dưới nước nên Doanh nghiệp tư nhân Sinh Thái để tràn lan trên bãi biển.
Ông Thinh cho biết, trong tuần này sẽ đi kiểm tra và làm việc với từng doanh nghiệp. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ cho người tháo dỡ dây, cọc và các chòi gỗ dựng không hợp lý, đồng thời tham mưu UBND TP. Nha Trang xử phạt theo quy định.
Nhật Thanh