Tinh hoa nghề Việt
Đến với Điểm tham quan nghề truyền thống Việt Nam, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là lối kiến trúc mang hơi hướng hoài cổ với những nếp nhà xưa. Từ những cánh cổng được làm bằng gỗ, đến cách sử dụng những thân tre làm điểm nhấn trang trí càng tôn thêm vẻ mộc mạc, gần gũi. Bước vào bên trong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những sản phẩm bắt mắt được làm từ chất liệu lụa tơ tằm và bạc. Những bộ trang phục được cắt may tỉ mỉ, những chiếc nhẫn, vòng bạc có hoa văn tinh xảo do những người thợ kim hoàn tạo ra... Tất cả như có một sức hút kỳ lạ bởi vẻ đẹp, sự sang trọng được kết tinh từ sự sáng tạo, khéo léo của những người thợ thủ công lành nghề.
Khách hàng tham quan các sản phẩm tại Điểm tham quan nghề truyền thống Việt Nam. |
Để hiểu thêm về các công đoạn làm ra sản phẩm nói trên, Điểm tham quan nghề truyền thống Việt Nam còn có không gian dành riêng cho những người thợ trực tiếp làm ra mặt hàng đó. Những người thợ bạc chỉ với các dụng cụ thô sơ, nhưng bằng đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên các món đồ trang sức vừa sang trọng, vừa giàu tính thẩm mỹ. Những người thợ khéo léo cắt may, thêu thùa những bộ trang phục bằng chất liệu lụa tơ tằm. Bà Hoàng Yến - Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Tinh Hoa Việt, chủ nhân Điểm tham quan nghề truyền thống Việt Nam cho biết: “Ở Việt Nam, nghề dệt lụa tơ tằm và nghề chạm bạc đã có từ hàng trăm năm nay. Đây là hai nghề thủ công đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo của những người thợ. Chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa mô hình này để họ hiểu hơn về những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống Việt Nam”.
Với tâm huyết đó, sau một thời gian tìm hiểu, năm 2008, thương hiệu thời trang Silk & Silver của Công ty đã ra đời và nhanh chóng được sự đón nhận của khách hàng trong và ngoài nước. Hiện Công ty có 14 cửa hàng và hơn 10 điểm bán hàng từ Nha Trang đến Mũi Né. Việc đầu tư xây dựng Điểm tham quan nghề truyền thống này có thể xem là bước ngoặt trong quá trình phát triển thương hiệu Silk & Silver của Công ty và cũng là cách để góp phần tôn vinh giá trị của những nghề thủ công truyền thống Việt Nam.
Điểm đến mới cho du khách
Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Đây là một địa chỉ mới nên chủ đầu tư cần tích cực giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người dân và du khách. Bên cạnh đó, phải thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng. |
Theo ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch của tỉnh đang phát triển mạnh, lượng khách trong nước, quốc tế đến Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng đông. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh và TP. Nha Trang, các điểm đến cho du khách vẫn còn thiếu và yếu. “Du khách đến với Nha Trang - Khánh Hòa ngoài tắm biển, tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu thì hầu như vẫn chưa có thêm sự lựa chọn khác. Việc Công ty TNHH Thời trang Tinh Hoa Việt mở điểm tham quan này sẽ giới thiệu thêm 1 điểm đến mới cho du khách, tạo sự đa dạng các sản phẩm du lịch ở địa phương”, ông Trương Đăng Tuyến chia sẻ.
Việc xây dựng các điểm tham quan nghề truyền thống không phải là điều mới mẻ đối với các địa phương khác trong nước. Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt... cũng có nhiều mô hình tương tự và đã đạt được thành công. Với Nha Trang - Khánh Hòa, mô hình điểm tham quan làng nghề truyền thống Việt Nam có thể xem là nơi đầu tiên được thực hiện. “Công ty TNHH Thời trang Tinh Hoa Việt tạo điểm đến này rất đúng lúc và cần thiết. Địa chỉ này không chỉ phù hợp với các đoàn khách nhỏ lẻ mà còn có thể đáp ứng được các đoàn khách lớn như khách tàu biển. Công ty chúng tôi sẽ bố trí điểm đến này vào chương trình tour của mình”, ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Phương Thắng cho biết. Còn theo ông Võ Thanh Minh - Trợ lý Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Nha Trang: “Sắp tới, Ban Giám đốc Công ty chúng tôi sẽ có chuyến khảo sát thực tế tại Nha Trang về hoạt động đón khách du lịch tàu biển. Trong chương trình làm việc, đoàn sẽ đến điểm tham quan này. Rất có khả năng đây sẽ trở thành một điểm đến mới trong các tour khách tàu biển của Công ty”.
Có thể nói, việc ra đời và đi vào hoạt động của Điểm tham quan nghề truyền thống Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các hãng lữ hành. Hy vọng, từ mô hình này Nha Trang - Khánh Hòa sẽ có thêm nhiều mô hình tương tự để thu hút khách tham quan, ví dụ như mô hình tham quan làng nghề bánh ướt, làng nghề đúc đồng Phú Lộc ở Diên Khánh, hay làng gốm Lư Cấm ở Nha Trang...