Theo nhóm thực hiện đề tài, địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu phản ánh trung thực, khách quan về lịch sử, văn hóa của địa phương trong quá trình sinh tồn, đấu tranh và phát triển cùng với dòng chảy của lịch sử đất nước. Với đặc điểm tự nhiên thuận lợi hiếm có, truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, hấp dẫn, Khánh Hòa đã thu hút du khách bằng cảnh đẹp của các điểm du lịch, giá trị truyền thống lịch sử và vẻ đẹp của văn hóa đặc trưng in đậm trong từng địa danh. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về địa danh, địa danh lịch sử văn hóa, nhất là những địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân, du khách.
|
Tháp bà Ponagar - địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu.(Ảnh: Trần Minh Ngọc) |
Thông qua các chuyên đề, tài liệu nghiên cứu, tư liệu điền dã, nhóm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu của tỉnh phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch”. Qua đó, đã tập hợp 206 địa danh lịch sử, văn hóa nổi trội trong tỉnh. Trên cơ sở bộ tiêu chí (gồm 5 tiêu chí: Giá trị lưu truyền; giá trị trực quan; giá trị khoa học, khách quan; giá trị mỹ quan; giá trị tham quan), đề tài đã chọn lọc, giới thiệu 92 địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Hầu hết các địa danh đều đã quen thuộc với người dân Khánh Hòa như: vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, Tháp Bà, ga Nha Trang, Hòn Chồng... Phần lớn các địa danh đều được phân tích từ góc độ nguồn gốc và giá trị lịch sử văn hóa. Đây là những thông tin cần thiết để người dân Khánh Hòa hiểu biết thêm về quê hương, cũng là thông tin hữu ích cho những ai cần tìm hiểu về vùng đất Khánh Hòa; giúp ích cho ngành Du lịch trong việc giới thiệu, quảng bá với du khách.
Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá nghiên cứu công phu, được nghiệm thu loại khá. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thị An - Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, qua báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài, có thể hình dung diện mạo của tỉnh Khánh Hòa qua các địa danh được giới thiệu. Báo cáo đã phân tích giá trị văn hóa hàm chứa trong các địa danh. Qua sự phân tích giá trị lịch sử văn hóa của các địa danh, báo cáo đã giới thiệu được một cách súc tích và sáng rõ quá trình lịch sử Khánh Hòa ở một số phương diện: quá trình Nam tiến của người Việt và sự hòa hợp Việt - Chăm trong lịch sử cũng như sự giao lưu, hòa hợp giữa dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số; quá trình thích ứng với biển qua việc thực thi nghề biển; quá trình định cư với các thiết chế sinh hoạt đời thường và quan trọng hơn cả là sự chiếm lĩnh, khai thác, thực thi chủ quyền biển, đảo ở một vùng có vị trí địa - chiến lược hết sức quan trọng, trong đó có cả những mất mát đau thương trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo.
Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng, kết quả nghiên cứu của đề tài này đã bổ sung nguồn tri thức quan trọng về địa danh, quá trình phát triển của lịch sử và giá trị văn hóa của các địa danh này đối với cộng đồng học thuật, với người dân địa phương và du khách. Từ cơ sở dữ liệu này có thể xây dựng từ điển hay cẩm nang về địa danh lịch sử văn hóa tỉnh Khánh Hòa trong tương lai. Ngoài ra, có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để biên soạn thành tài liệu giảng dạy về lịch sử địa phương, hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cho học sinh các bậc học phổ thông và sinh viên đang theo học các ngành Lịch sử, Văn hóa học hay Văn hóa - Du lịch ở Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.
Nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp phát huy giá trị các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu trong giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt coi trọng giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống trong cộng đồng; giải pháp nâng cao chất lượng quảng bá và phát triển du lịch. Nhóm cũng đã đề xuất các phương thức quảng bá tour, tuyến, điểm tại các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu; đề xuất thiết kế các tour, tuyến du lịch qua những địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Khánh Hòa trong thời gian tới. Đề tài cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, nhất là đối với UBND tỉnh như: Quy hoạch và xây dựng các khu di tích lịch sử, văn hóa đối với các địa danh lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Tà Nĩa, Xóm Cỏ; quy hoạch và khoanh vùng để bảo lưu kết quả các công trình nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn tỉnh; xây dựng điểm dừng chân cho khách tham quan, tiếp tục đầu tư nâng cấp di tích điểm lưu niệm Tàu không số C235...
N.D