Ảnh minh họa. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam ông Nguyễn Văn Tuấn nhận định: “Càng ngày Nhật Bản càng trở thành thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, sau Hàn Quốc và Trung Quốc”, và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 đã xác định Nhật Bản là thị trường trọng điểm, với tham vọng đón 1 triệu lượt du khách Nhật Bản vào năm 2015.
Mặc dù triển vọng rất lớn, song để cán mốc đón “1 triệu lượt khách du lịch Nhật Bản”, ngành Du lịch Việt Nam còn phải xử lý không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hiện nay chúng ta mới có 2 đường bay thẳng từ Nhật Bản tới Hà Nội và TP.HCM.
Tổng Giám đốc Hanoitourts Lê Đức Kế cho rằng: “Với số lượng đường bay như vậy, chúng ta không có cách nào để đưa được 1 triệu lượt du khách Nhật tới ViệtNam”. Thêm nữa, để phục vụ 1 triệu du khách Nhật, Việt Nam sẽ phải tăng gấp 3 lần đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Nhật so với hiện nay. Đây cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng của ngành Du lịch.
Việt Nam cũng chưa có nhiều hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tới Nhật Bản quy mô bài bản cho “ra tấm, ra món”. Ở khía cạnh này, ông Takahiko Ohata, Chủ tịch Hiệp hội các Công ty lữ hành nước ngoài Nhật Bản (OTOA) khuyến nghị: Ngành Du lịch Việt Nam cần tăng cường quảng bá cho người dân Nhật Bản biết nhiều hơn nữa về nét đẹp và đặc trưng của du lịch nước mình, trong đó quảng bá thông qua truyền hình là lựa chọn tốt nhất.
Đồng thời, ngành Du lịch cũng cần phục vụ thật tốt khách du lịch Nhật Bản, để từ đó, chính những du khách này sẽ giới thiệu cho bạn bè, gia đình (những khách hàng tiềm năng) đến Việt Nam trong thời gian tới.
3 vấn đề mấu chốt để hấp dẫn du khách Nhật
Ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có những điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác du lịch giữa 2 nước cũng như thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam như hiện nay”.
Thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức sự kiện những "Ngày Văn hóa Việt Nam" tại Nhật Bản và những "Ngày Văn hóa Nhật Bản" tại Việt Nam.
Chúng ta cũng tổ chức nhiều Roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nhật Bản; tổ chức đón các đoàn Famrtrip Nhật Bản tới khảo sát thị trường, các điểm đến của Việt Nam. TP. Hà Nội đã tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản với gian hàng quy mô lớn nhất từ trước tới nay và nhiều hoạt động khác.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch xác định 3 vấn đề mấu chốt nhất cần tập trung thực hiện để thu hút du khách Nhật Bản.
Thứ nhất, chúng là phải kiểm soát được chất lượng dịch vụ (do khách Nhật rất tinh tế và kỹ tính, yêu cầu mọi dịch vụ phải chuẩn mình chính xác, rõ ràng). Không truyền thông sai về chất lượng dịch vụ và phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.
Thứ hai, phải tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu đặc thù của khách Nhật. Phối hợp với các trường Đại học, dạy nghề tăng cường đạo tạo hướng dẫn viên tiếng Nhật.
Thứ ba là làm tốt hơn công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam với việc huy động nguồn lực của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp và địa phương.
Hiện thông tin về Việt Nam mà du khách Nhật Bản tìm hiểu nghiên cứu chủ yếu từ các loại báo, tạp chí... Do đó các chuyên gia du lịch gợi ý Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các ấn phẩm dành riêng cho phụ nữ Nhật (như ShukanBunshun, SukaAsahi) hay trên các báo địa phương (như: Kokaido, Chunichi), trong đó, đặc biệt chú ý tới những tờ báo lớn như Ashahi, Nikkei...