Báu vật của thiên nhiên
Cảnh đẹp biển Đại Lãnh. |
Biển Đại Lãnh có thể xem là niềm tự hào của người dân xứ Trầm Hương. Cảnh đẹp nơi đây, từ 160 năm trước đã được vua Minh Mạng cho khắc lên Tuyên Đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đặt ở sân Thế Miếu trong kinh thành Huế “để làm báu nước muôn đời” (Quốc sử quán triều Nguyễn).
Nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, giữa 2 ngọn đèo hiểm trở là đèo Cả và đèo Cổ Mã, biển Đại Lãnh thực sự là một báu vật thiên nhiên với bờ cát trắng mịn trải dài gần 3km, bãi biển uốn cong với độ dốc thoai thoải, nước biển trong xanh nhìn thấy tận đáy. Kế đó lại có một nguồn nước ngọt chảy ra, hòa vào biển cả, quanh năm không cạn. Những rặng dương xanh tốt vi vu trong gió. Từ biển Đại Lãnh, du khách có thể đi thuyền máy thăm làng chài hoặc những lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân trong vùng. Sau khi thỏa sức vẫy vùng trong làn nước biển trong lành, khách có thể tự khám phá đời sống của người dân nơi đây bằng cách hòa mình vào không khí sôi động nơi cảng cá khi có tàu thuyền đánh bắt thủy sản cập bến, cùng thử tài lựa chọn những loài tôm, mực, ghẹ còn tươi rói. Để thay đổi không khí, khách có thể đến lăng Ông Nam Hải, miếu Âm hồn được dựng từ thời Pháp thuộc, dinh Bà thờ Thiên Y Ana để cảm nhận về đời sống tâm linh của những cư dân vùng biển nơi đây.
Đại Lãnh không chỉ có biển, nơi đây 3 phía đều được bao bọc bởi núi non trùng điệp và những cánh rừng nguyên sinh. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác mạo hiểm khi men theo lối mòn lên trại Quế, trại Thơm. Theo những người già, ở khu vực này có một rừng quế mấy chục năm tuổi, gần đỉnh núi có một khoảng đất trống, tương truyền xưa kia là sân tập của nghĩa quân Tây Sơn. Phần thưởng cho hành trình hơn 10km đường núi hiểm trở của du khách là bầu không khí núi rừng mát lành. Từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt sẽ thấy hết vẻ đẹp của vịnh Vân Phong và nếu thích, du khách hãy đắm mình trong làn nước suối Hương mát rượi.
Lẩu mực Đại Lãnh. |
Đến với Đại Lãnh, chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua món lẩu mực nổi tiếng. Với nguyên liệu tươi ngon, cách chế biến đơn giản, nồi lẩu mực Đại Lãnh sẽ đánh thức giác quan thực khách bởi hương vị đậm đà chất biển.
Giấc mơ du lịch
Nhiều người cho rằng, vẻ đẹp của Đại Lãnh chính là vẫn giữ được nét hoang sơ. Ở một khía cạnh nào đó, đặc điểm này có thể tạo được sức hút với một số đối tượng khách. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn diện về sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất này thì du lịch Đại Lãnh rất cần được đầu tư. “Người dân chúng tôi rất muốn du lịch địa phương phát triển. Khách du lịch đến càng nhiều, người dân càng có cơ hội tiêu thụ hàng hóa do mình làm ra, cũng như các dịch vụ đi kèm sẽ phát triển hơn”, bà Nguyễn Kim Anh - chủ nhà hàng Kim Anh (Đại Lãnh) cho biết. Cùng chung mong muốn về sự phát triển của ngành Du lịch, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh chia sẻ: “Địa phương rất muốn thu hút các nhà đầu tư vào du lịch để có thể thay đổi diện mạo nơi đây, cũng như tạo việc làm cho người dân. Hiện tại, 70% dân số trong xã làm nghề biển, nhưng tình hình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn, vì vậy xã rất muốn chuyển đổi ngành nghề cho người dân theo hướng phục vụ du lịch”.
Phối cảnh dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh. |
Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở Đại Lãnh vẫn còn hạn chế. Nơi đây chỉ có một vài nhà nghỉ bình dân, khoảng trên dưới 20 nhà hàng quy mô nhỏ, quán cơm nằm dọc quốc lộ. Với cơ sở vật chất như vậy thì khó thu hút được du khách. Thực tế, không phải không có người dám đầu tư vào du lịch Đại Lãnh, bởi ở đây vẫn tồn tại một khách sạn được xây dựng và bỏ hoang nhiều năm nay. Theo ông Trần Đình Thú, dự án khách sạn này đã qua mấy chủ đầu tư, nhưng đến nay không hiểu vì sao vẫn án binh bất động. Năm 2009, người dân Đại Lãnh đón tin vui khi Công ty Cổ phần Du lịch Năm Sao (TP. Hồ Chí Minh) xin lập dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng ở đây. UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho phép doanh nghiệp này triển khai các bước đi cần thiết cho dự án. Năm 2011, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh. Theo đó, dự án có tổng diện tích hơn 21,3ha, với rất nhiều hạng mục, công trình có quy mô, chất lượng cao. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, đầu tháng 9-2013, UBND tỉnh tiếp tục đồng ý cho Công ty Cổ phần Du lịch Năm Sao thuê mặt nước để phục vụ du lịch. Tuy nhiên đến thời điểm này, chủ đầu tư mới chỉ dựng một số chòi lá, một nhà hàng phục vụ ăn uống, 2 dãy nhà nghỉ cấp 4. Bà Phan Thúy Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Năm Sao cho biết: “Hiện Công ty đang gặp nhiều khó khăn, khu du lịch Đại Lãnh lại hoạt động một cách đơn lẻ do xa trung tâm. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển du lịch bền vững, giữ cho cảnh quan nơi đây được tự nhiên”.
Có lẽ trong tình hình hiện nay, người dân Đại Lãnh sẽ phải tiếp tục chờ đợi và trước mắt cảnh hoang sơ ở Đại Lãnh vẫn sẽ tiếp tục... hoang sơ.