Tết đến xuân về tưởng như chuyện muôn năm cũ, mà lạ thay vẫn mang đến không ít suy tư, không chỉ về những được - mất trong cuộc đời mà còn về những biến thiên xã hội. Tết cũng là thời điểm ta nhận ra, ta không thể dửng dưng với xã hội xung quanh, thứ hàng ngày hàng giờ tạo nên một phần cuộc sống của mỗi người.
Với nước ta, quãng thời gian từ khi mở cửa rộng rãi với thế giới đến nay tuy mới chỉ hơn 20 năm nhưng dường như là một thời kỳ lịch sử rất dài. Có lẽ chưa bao giờ, xã hội Việt Nam có cuộc lột xác nhanh chóng như giai đoạn hơn 20 năm vừa qua.
Ám ảnh tôi ngày này, là những hình ảnh quá khứ trong câu chuyện được ông Lê Xuân Trinh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kể.
Năm 1991, ông Võ Văn Kiệt được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi đó, phần lớn quan chức Chính phủ vẫn còn đến cơ quan bằng …dép lê. Một trong những chỉ thị đầu tiên của ông Võ Văn Kiệt trên cương vị người đứng đầu Chính phủ là yêu cầu công chức đến nhiệm sở phải đi giày hoặc dép có cài quai hậu. Bạn có thấy ngạc nhiên và thú vị?
Những năm đầu thập kỷ 90 là thời gian đất nước bắt đầu thay đổi mạnh mẽ, khởi đầu với việc tái hội nhập kinh tế quốc tế. Để dễ hình dung, tôi sẽ điểm lại một vài dấu mốc.
Năm 1993 chúng ta bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế. Năm 1994 bắt đầu thành lập các tổng công ty 90, 91, tiền thân của các tập đoàn nhà nước “quả đấm thép” ngày nay. Đến năm 1995 là năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, ký hiệp định khung về hợp tác với liên minh châu Âu, và cũng là năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Những sự kiện này và rất nhiều sự kiện khác nữa đã đánh dấu điểm bắt đầu cho sự lột xác của đất nước sau những chuỗi ngày dài khó khăn.
Những thế hệ người Việt các giai đoạn 1950s, 1960s... thế kỷ trước, đã chứng kiến và trải nghiệm một cuộc sống với nhiều biến chuyển khó quên. Từ một xã hội bao cấp, tem phiếu trong đó tài sản mỗi người chẳng có gì ngoài những vật dụng tối thiểu nhất mua theo kiểu phân phối, đến nay ngay ở các thị trấn nhỏ giá nhà đất cũng đã cao không kém đất đai các thành phố nhỏ những nước phát triển.
Ảnh minh họa: Trần Chánh Nghĩa |
Sau bao năm ở nước ngoài, giờ đây, nhớ về Hà Nội, tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng những năm 90 thế kỷ trước, mỗi lần ghé thăm người thân ở làng Mễ Trì (phía tây Hà Nội). Nếu có đi về khuya, hai bên đường tối om, hoang vắng, chỉ nghe tiếng ếch kêu, hai bên bờ sông Tô Lịch hồi đó vẫn là vùng cây cối um tùm và bẩn thỉu. Vùng Cổ Nhuế cũng vậy, đất đai rộng rãi, nhà cửa thưa thớt. Hoặc chỉ cần đi hơi xa khỏi trường ĐH Bách Khoa về phía nam theo đường Giải Phóng là đã thấy phong cảnh làng quê, ao chuôm.
Giờ đây, chính tại những vùng đất ấy, các khu đô thị sầm uất đang mọc lên hàng ngày với đường sá nhà cửa quy mô không kém gì các thành phố lớn của các nước phát triển hàng đầu ở phương tây.
Còn rất nhiều thay đổi chóng mặt khác từ vật chất đến tinh thần, cả xấu lẫn tốt, tác động sâu sắc đến từng con người, từng thế hệ người Việt ngày nay. Cuộc sống hiện đại ngồn ngộn sự kiện, báo chí tràn đầy tin tức. Dường như cả xã hội cùng hối hả trong một vũ điệu quay cuồng. Như một lẽ tự nhiên, rất nhiều người cùng chia sẻ một tâm trạng chung: vừa háo hức với những điều mới lạ sẽ đến, lại vừa âu lo trước những thay đổi khó lường trong tương lai.
Tôi vẫn nhớ một bài báo nước ngoài mô tả xã hội Trung Quốc mấy năm trước. Rằng tất cả như một cái lò xo bị nén đến mấy chục năm bây giờ khi lực nén ấy đột ngột giảm xuống thì lò xo bật lên rất mạnh. Làm biến đổi bộ mặt xã hội.
Tôi không khỏi liên tưởng đến chính xã hội ta. Với hình ảnh cái lò xo đang bung ra.
Tất cả vẫn đang bung ra với một sức mạnh tiềm ẩn bị đè nén và kìm hãm bao năm. Và như vậy trong khoảng hai chục năm tới chúng ta cũng sẽ thấy những thay đổi ít ai ngờ nổi, giống như cuộc lột xác mấy chục năm vừa qua. Chỉ có điều, nó sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp hơn hay lắm điều không mong muốn?! Cái lò xo đó có đủ mạnh mẽ để vượt qua những chướng ngại vật trên đường đi không, hay sẽ bị chúng làm cho chậm lại.
Những câu hỏi về tương lai như thế này không dễ gì giải đáp, cho dù luôn có hằng hà sa số nghiên cứu công phu về kinh tế-xã hội nhằm tìm cho ra câu trả lời.
Nhiều người thường so sánh Việt Nam và các nước láng giềng trong khu vực có bối cảnh tương đồng để xem bước đi trong 20 năm qua và tiên đoán tương lai. Tuy nhiên, ngay cả khi có những phân tích đáng tin cậy, ta cũng không thể tìm ra câu trả lời xác đáng. Bởi lẽ tồn tại rất nhiều khác biệt về thể chế kinh tế, cơ cấu xã hội. Những khác biệt đó đủ lớn để tạo nên một diện mạo rất khác sau cùng một quãng thời gian, cùng một điểm xuất phát.
Chọn lựa tốt nhất cho mỗi người năm mới là giữ lòng tin và kiên trì để tiếp tục đi trên những con đường đúng đắn, để hướng tới những mục tiêu bền vững của chính mình