Sau 1 tuần chở khách, buýt nhanh BRT Hà Nội đã được phần lớn người dân ủng hộ. Lượng khách đi xe buýt nhanh tăng lên từng ngày...
Chính thức vận hành chở khách từ ngày 31-12-2016, tuyến buýt nhanh 01 Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã có 1 tuần chở khách trên trục đường đông đúc, vào các khung giờ trong ngày. Vẫn còn một số ý kiến trái chiều nhưng tổng quan, phần lớn người dân đã có ý thức chấp hành, “nhường” đường cho buýt nhanh BRT lưu thông, đặc biệt số lượng người sử dụng buýt nhanh tăng lên nhanh chóng.
Gần 12.000 lượt khách/ngày
Thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh BRT, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho thấy, tính đến hết ngày 6-1, lượng hành khách sử dụng xe buýt nhanh BRT 01 Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã đạt con số trên 65.000 lượt khách. Trong đó, ngày 5-1 và ngày 6-1 đạt xấp xỉ 12.000 lượt/ngày.
“Lượng khách sử dụng xe buýt tăng lên từng ngày. Ngày đầu tiên 1-1 có trên 8.300 lượt; ngày 2-1, tăng lên 10.400 lượt khách, ngày 3-1 là hơn 11.200 lượt và các ngày 5 và 6 xấp xỉ 12.000 lượt”, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT cho thông tin.
Về tần suất vận hành, trong tuần vừa qua, buýt nhanh BRT đã thực hiện đầy đủ theo biểu đồ, đạt 358 lượt/ngày. Tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 99,7%; sản lượng hành khách bình quân 32 khách/lượt; trung bình, 1 nhà chờ đón hơn 480 khách mỗi ngày.
Đặc biệt, đối tượng hành khách đi buýt nhanh rất đa dạng, từ học sinh, sinh viên đến người đi làm, người cao tuổi. Đặc biệt, do tính thuận lợi nên người khuyết tật sử dụng xe lăn, trẻ em ngồi xe nôi cũng được bố mẹ đưa lên buýt nhanh. Với ưu thế có đường dành riêng, xe thiết kế hiện đại, an toàn hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn nên buýt nhanh BRT Hà Nội ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Chị Ngô Mai Trang công tác tại một công ty có trụ sở trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Nhà tôi tại Kiến Hưng, Hà Đông nên hàng ngày phải di chuyển bằng xe máy ra Nguyễn Chí Thanh đi làm khá xa và vất vả, nhất là những ngày nắng nóng, mưa rét. Từ ngày buýt nhanh đi vào hoạt động đến nay, tôi chuyển sang sử dụng hẳn loại hình vận tải này và cảm thấy rất thuận lợi. Chi phí rẻ, đáp ứng được thời gian di chuyển. Đặc biệt, vào giờ cao điểm chỉ ít phút là có xe chạy qua nhà chờ, tôi không phải đợi quá lâu. Lên xe không phải chen lấn, xô đẩy”.
Thành phố đã nhận được đề xuất mở tuyến buýt nhanh số 02 của Transerco lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc và chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 02 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh số 01. Ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) |
Ý thức người tham gia giao thông chưa cao
Dù vậy, vào giờ cao điểm, trên các tuyến đường đông như trục Lê Văn Lương - Láng Hạ, do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc, nên buýt nhanh vẫn thường xuyên bị “bao vây” trong “ma trận” các loại phương tiện cá nhân. Tình trạng taxi, ô tô cá nhân, xe máy tạt đầu, lấn chiếm đường dành riêng cho buýt nhanh BRT vẫn diễn ra, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng và chiều tan tầm.
Một lái xe thuộc Xí nghiệp buýt nhanh BRT có thâm niên lái xe buýt thường gần 10 năm chia sẻ: “Nhìn chung ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn chưa cao. Họ sẵn sàng lấn đường, tạt sang đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Vào giờ cao điểm, lái xe buýt nhanh thường xuyên phải bấm còi để giành lại đường. Cá biệt, có những phương tiện cố tình chây ỳ, dù còi xe sát sạt cũng không chịu trả lại đường”.
Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT cho rằng, do đây là loại hình mới nên có một số điểm khác biệt trong dịch vụ so với các tuyến buýt thường nên một số hạng mục, nội dung sẽ phải tiếp tục hoàn thiện trong quá trình vận hành. “Cơ bản ý thức người dân đã chấp hành, nhưng trong nhiều khung giờ, đặc biệt giờ cao điểm vẫn còn hiện tượng nhiều xe cá nhân đi sai làn đường quy định”.
Theo đó, ông Nguyễn Thủy kiến nghị, cần tăng cường tuyên truyền với đa dạng các hình thức để người dân có ý thức cao hơn nữa trong việc chấp hành đi đúng làn đường quy định, không lấn làn của buýt nhanh BRT, tiến tới xử phạt nghiêm đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, Xí nghiệp buýt nhanh BRT cũng đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT bổ sung biển báo chỉ dẫn lối, hướng đi vào nhà chờ ở các điểm nhà chờ buýt nhanh. Vì hiện tại, không ít người dân loay hoay tìm lối đi vào nhà chờ, nhiều khách đứng chờ sai vị trí.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, xung đột giao thông chủ yếu xảy ra tại các nút giao, là nguyên nhân chính gây ùn tắc trên tuyến có buýt nhanh hoạt động. Nhất là vào giờ cao điểm, việc lấn làn thường xuyên xảy ra tại các vị trí này. Ngành GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng về việc tổ chức, vận hành hệ thống giao thông, đảm bảo việc đi lại của hành khách được an toàn và thuận tiện nhất.
Xử phạt nghiêm sau Tết Nguyên đán
Chiều 4-1 vừa qua, UBND TP Hà Nội có chỉ đạo tiếp tục hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt sau khi tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu sở GTVT, Sở Tài chính và Transerco tiếp tục nghiên cứu tăng cường các tuyến buýt kết nối, trung chuyển với buýt nhanh BRT. Tổ chức lại tuyến buýt 22 thành 3 tuyến buýt kết nối, trung chuyển với buýt nhanh BRT.
Cụ thể, tuyến từ Kim Mã - Bến xe Gia Lâm; tuyến từ các khu đô thị phía Tây như Xa La, Kiến Hưng (Hà Đông) kết nối với buýt nhanh theo hướng đường Mỗ Lao; tuyến từ các khu đô thị Kiến Hưng, Xa La kết nối với tuyến buýt nhanh BRT theo hướng đường Vạn Phúc. Thời gian thực hiện từ ngày 8-1. UBND TP lưu ý, trong quá trình thực hiện, Sở GTVT và Transerco tiếp tục nắm bắt nhu cầu đi lại của nhân dân trên tuyến để thực hiện việc kết nối hợp lý.
Ngoài ra, để tiện cho hành khách theo dõi và sắp xếp lộ trình, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã lập danh sách các tuyến buýt thường kết nối với xe buýt nhanh BRT, chi tiết từng điểm dừng cụ thể. Theo đó, hiện tuyến nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã được kết nối với 26 tuyến buýt thường trên lộ trình bao gồm 23 điểm dừng đỗ.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, do xe buýt nhanh vừa mới đi vào sử dụng, nên các đơn vị hữu quan đang tập trung khắc phục những bất cập như khớp nối lối lên xuống, đường dẫn qua đường để thuận tiện cho hành khách.
“Lực lượng chức năng tập trung, tuyên truyền nhắc nhở các đối tượng điều khiển các phương tiện đi vào tuyến đường xe buýt nhanh. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2017 sẽ tiến hành xử phạt. Sắp tới, tại các điểm giao cắt với làn xe buýt nhanh, ngành giao thông sẽ lắp đặt loa thông báo, cảnh báo các đối tượng khi đi vào làn xe buýt nhanh, thông tin mức xử phạt để mọi người có ý thức chấp hành”, ông Vũ Văn Viện thông tin.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, ưu tiên hàng đầu của xe buýt nhanh là đúng giờ. Đối với giao thông đô thị, để giảm ùn tắc bắt buộc phải phát triển loại hình giao thông công cộng, trong đó chủ lực là xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm. Trong quá trình chạy thử nghiệm, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, chuyên gia để hiệu chỉnh những bất cập trong quá trình sử dụng BTR.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh BRT, Metro, đường sắt đô thị là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị hiện đại để đổi phó với tình trạng ùn tắc giao thông. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Năng lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội hiện tại chỉ đáp ứng được 13-14% nhu cầu, khi mạng lưới BRT với 8 tuyến được đưa vào hoạt động sẽ nâng gấp đôi năng lực của hệ thống, góp phần thay đổi cơ bản thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân Thủ đô.
Ngân Tuyền (ANTĐ)