Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô tô |
Chỉ vài ly mất tiền triệu
Chúng tôi có dịp theo chân tổ kiểm tra nồng độ cồn trong những ngày cuối tuần. Khác với những lần ra quân trước đây mà chúng tôi từng chứng kiến, đợt này, việc kiểm tra nồng độ cồn được phối hợp nhiều lực lượng gồm: Cảnh sát giao thông (CSGT) của Công an tỉnh và Công an TP. Nha Trang, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, do lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh (PC67) làm trưởng đoàn trực tiếp có mặt tại hiện trường để giải quyết kịp thời những trường hợp người vi phạm có thái độ chống đối lực lượng chức năng khi xử lý.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô tô |
Trên đường Trần Phú, đoạn công viên Yến Phi, nhận được tín hiệu dừng xe, kiểm tra, một chiếc ô tô con đang lưu thông tấp vào lề đường. Thượng úy Đặng Trần Hải (PC67) yêu cầu lái xe thổi vào ống đo mà không cần phải xuống xe. Chỉ khi máy báo có nồng độ cồn, lái xe mới bị yêu cầu ra khỏi xe để tiến hành các thủ tục kiểm tra giấy tờ, thông báo mức độ vi phạm, lập biên bản xử lý theo quy định. Máy báo nồng độ cồn đo được của anh K.X.O (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) là 0,564mg/lít khí thở. Anh O. thừa nhận mình đã uống bia nhưng cho rằng uống không nhiều nên vẫn có thể điều khiển phương tiện. Anh O. phân bua, bình thường khi lái xe, anh không uống; nhưng hôm nay, anh rủ bạn đi làm vài chai “rửa” xe mới. Khi lực lượng chức năng đưa anh xem mảnh giấy xác nhận nồng độ cồn vừa in ra từ máy đo, yêu cầu ký biên bản và thông báo mức phạt 12,5 triệu đồng đã khiến anh choáng váng. Cùng nhận mức phạt tương tự, anh P.H.T (TP. Hồ Chí Minh) phân bua: “Tôi vừa ra Nha Trang chơi, lâu ngày gặp lại mấy người bạn cũ nên cũng “chén chú, chén anh” vui vẻ một tí. Tôi không ngờ chỉ uống có vài chai bia mà phải nộp phạt số tiền cao như vậy…”.
Để ngăn ngừa, kiềm chế TNGT trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ban An toàn giao thông tỉnh vừa ban hành kế hoạch tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, lực lượng CSGT Công an tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, Thanh tra giao thông huy động tối đa lực lượng, sử dụng hiệu quả các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. |
Tại khu vực vòng xoay Hoàng Diệu - Trần Phú, khi bị tổ kiểm tra yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra vì có dấu hiệu sử dụng rượu bia, anh N.N.T. (tỉnh Thái Nguyên) thanh minh chỉ uống chút chút ở một quán nhậu khu vực Cầu Dứa. Thế nhưng, máy kiểm tra nồng độ cồn trên tay Thượng úy Trần Hữu Thọ (PC67) đã báo kết quả 0,419mg/lít khí thở, nằm ở mức phạt 2,5 triệu đồng… Anh T. đến Nha Trang du lịch, mượn xe máy của bạn đi chơi. Bây giờ, xe bị tạm giữ, anh đành gọi cho bạn đến đón, giúp anh làm thủ tục nộp phạt và chờ nhận xe, vì hôm sau anh phải trở về Thái Nguyên.
Thực tế, không phải trường hợp nào cũng chấp hành ngay việc kiểm tra. Khi tổ kiểm tra yêu cầu thổi vào máy đo, anh T.V.T (xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) đã viện rất nhiều lý do để không chịu đo. Tuy đã đứng không vững nhưng anh vẫn khăng khăng mình không uống bia, rượu. Khi yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe, anh không xuất trình được bất cứ một loại giấy tờ nào. Sau một lúc giải thích, vận động, cuối cùng, anh cũng đồng ý thổi vào máy đo với kết quả nồng độ cồn đến 0,434mg/lít khí thở. Khi đưa kết quả cho anh xem, anh đã lớn tiếng cự cãi: “Tôi chỉ thở thử thôi. Kết quả này không chính xác”. Lực lượng CSGT yêu cầu anh thổi lại nhưng anh nhất định không thổi. Mãi đến khi lực lượng CSGT đề nghị lập biên bản không chấp hành người thi hành công vụ, anh mới hợp tác. Anh T. nói: “Tôi đi dự đám cưới, chỉ uống có 3 chai, CSGT làm khó chứ tôi vẫn điều khiển được xe…”.
Hậu quả khôn lường
Theo Thượng tá Phan Văn Cường - Phó Trưởng phòng PC67, nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT có một phần không nhỏ do người đã uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện. Khi đã có hơi men, người điều khiển phương tiện rất dễ chạy quá tốc độ, không kiểm soát được phương tiện nên có thể gây tai nạn cho chính mình hoặc người khác.
Người vi phạm ký biên bản vi phạm hành chính. |
Thiếu tá Nguyễn Kim Tuấn (Đội CSGT Công an TP. Nha Trang) cho biết, đơn vị đã xử lý không ít vụ TNGT có nguyên nhân từ người uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện. Như vụ TNGT gây chết người ở đường Võ Thị Sáu (phường Vĩnh Trường). Khi nhận được tin báo của Công an phường Vĩnh Trường có vụ ô tô tải loại 2,5 tấn đâm vào nhà dân, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt. Hiện trường cho thấy, ô tô lật ngang, đầu đâm vào 2 trụ điện bên vỉa hè, phần trước nhà dân bị hư hỏng hoàn toàn, nứt vỡ kính, cửa bị cong. Ô tô gây tai nạn đã làm 1 người điều khiển xe máy chết. Khi tạm giữ, kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe T.N.K đã cho kết quả đến 1,809mg/lít khí thở. Lúc đó, lái xe còn say đến mức vẫn nói mình không tông xe… Anh T.N.K khai rằng, buổi chiều đó không có hàng, trong lúc chờ đợi để đưa xe về bãi cất, anh K. có uống với mấy anh em lái xe. Do chạy nhanh trong tình trạng say xỉn, không xử lý được nên anh đã lấn đường và lao thẳng vào nhà dân… Thượng úy Phan Ngọc Minh, Đội CSGT Công an TP. Nha Trang kể, mới đây xảy ra vụ TNGT giữa 2 xe mô tô trước số nhà 49 đường 2-4, phường Vạn Thắng. Qua khám nghiệm hiện trường, 1 xe đã lấn đường gây tai nạn cho xe ngược chiều, làm nạn nhân bị thương phải cấp cứu tại bệnh viện. Đội đưa người điều khiển xe gây tai nạn về cơ quan đo nồng độ cồn cho kết quả đến 1,169mg/lít khí thở.
Đã mấy tháng sau vụ bị tông xe, chị L.T.V.P (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi. Tối đó, chị và người nhà chạy xe dạo phố. Vừa qua khỏi cầu Trần Phú, bất ngờ bị tông từ phía sau, xe chị bị đẩy lao nhanh về phía trước một đoạn rồi đổ xuống đường. Chị văng ra khỏi xe khiến chân bị chà xát xuống mặt đường, còn mẹ chị bị gãy xương phải vào viện cấp cứu. Chiếc xe gây tai nạn cũng ngã lăn xuống đường. Lúc này, người lái xe lồm cồm ngồi dậy, người nồng nặc mùi rượu. Ông ta say đến nỗi phải gọi điện cho người nhà đến giải quyết. “Mất 2 tháng điều trị, tốn nhiều tiền mà vẫn để lại đám sẹo lớn từ đầu gối đến bàn chân và vẫn còn rất đau mỗi khi bị va chạm” - chị P. kể.
Kiên quyết xử lý
Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh: Năm 2014, các lực lượng đã huy động 500 lượt máy đo nồng độ cồn kiểm tra phát hiện và xử lý 506 trường hợp vi phạm… Thực tế, việc ra quân xử lý nồng độ cồn chỉ mang tính chất tuyên truyền là chính. Do lực lượng CSGT mỏng, mỗi lần ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn phải huy động gần 10 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng khác nên rất khó xử lý thường xuyên, liên tục. |
Các trường hợp bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn mà chúng tôi chứng kiến, tuy không có hành vi chống đối nhưng phần lớn không chịu hợp tác ngay, không thực hiện đúng thao tác để lực lượng chức năng tiến hành đo nồng độ cồn. CSGT yêu cầu lái xe rất đơn giản là ngậm và thổi, nhưng có người đẩy ra, có người cứ ngậm chặt ống mà không chịu thổi hoặc thở khe khẽ. Rất nhiều trường hợp, lực lượng CSGT phải hướng dẫn thổi đi thổi lại thì máy kiểm tra nồng độ cồn mới “bắt” được hơi thở. Bên cạnh đó, người vi phạm thường có thái độ không chấp hành ngay việc xuất trình giấy tờ xe hoặc nhùng nhằng kéo dài thời gian lập biên bản xử lý. Có trường hợp anh cán bộ phường nhậu tổng kết khóa tập huấn, khi bị xử lý thì năn nỉ “thông cảm”; có vị a lô cho người nọ người kia rồi nằng nặc chuyển máy đòi CSGT nghe để gây áp lực “xin xỏ”…, nhưng đều bị kiên quyết từ chối.
Theo Trung tá Lê Bửu Thọ - Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, một số khó khăn khi xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn như: Người điều khiển phương tiện có hơi men nên thường gây khó khăn cho lực lượng xử lý; nhiều vụ TNGT khó đo nồng độ cồn vì đối tượng đã bỏ đi trước khi CSGT có mặt tại hiện trường; lực lượng CSGT còn mỏng, phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ… Tuy nhiên, lực lượng CSGT thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền về hậu quả của việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
NAM DU - KHÁNH HÀ