Cảng Nha Trang. |
Cổ phần hóa
Trước đề nghị của UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển Cảng Nha Trang từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về UBND tỉnh quản lý. Hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển giao Cảng Nha Trang và đang đợi phê duyệt. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện sau khi Công ty Cổ phần (CP) Cảng Nha Trang được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và hoàn tất công tác CP hóa như: kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán thuế, quyết toán chi phí CP hóa, bàn giao vốn Nhà nước sang công ty CP...
Trước đó, ngày 7-4, Hội đồng Thành viên Vinalines đã có quyết định phê duyệt phương án CP hóa và chuyển Công ty TNHH một thành viên Cảng Nha Trang thành công ty CP. Ngày 24-6, Hội đồng Thành viên Vinalines có quyết định điều chỉnh cơ cấu CP phát hành của Công ty CP Cảng Nha Trang và phương án sắp xếp lao động. Theo đó, tổng số vốn điều lệ của cảng hơn 245 tỷ đồng, tương đương hơn 24,5 triệu CP. Trong số này, Nhà nước giữ hơn 23,5 triệu CP, tương đương với 96% vốn điều lệ. Còn lại 410.040 CP bán cho người lao động, tương đương với 1,67% vốn điều lệ; 100.000 CP bán cho tổ chức công đoàn, tương đương 0,41% vốn điều lệ; 458.200 CP bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường, tương đương 1,87% vốn điều lệ.
Hiện Công ty CP Vinpearl đã nhận chuyển nhượng 8,5 triệu CP Cảng Nha Trang theo hình thức thỏa thuận trực tiếp (tương đương 85 tỷ đồng). Số tiền bán CP cho Vinpearl thay cho hình thức UBND tỉnh Khánh Hòa hoàn trả cho Vinalines giá trị mà Vinalines đã đầu tư mới tại Cảng Nha Trang. Như vậy, Vinalines hiện đang nắm giữ tại Cảng Nha Trang hơn 15,07 triệu CP, tương đương 150,708 tỷ đồng. Số CP này sẽ được chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý làm đại diện phần vốn Nhà nước theo hình thức bàn giao vốn Nhà nước.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty CP Cảng Nha Trang. Hiện nay, tổng số lao động của đơn vị là 164 người; dự kiến sau khi CP sẽ cho 31 lao động nghỉ việc, với số tiền giải quyết chế độ hơn 3,1 tỷ đồng.
Phát triển thành cảng du lịch quốc tế
Cảng Nha Trang hiện đã được đầu tư hệ thống hạ tầng với 5 cầu cảng có chiều dài từ 60 - 215m và các phương tiện hỗ trợ như: cẩu nâng dỡ hàng với sức nâng 5 - 60 tấn, xe vận chuyển hàng hóa, xe xúc gạt, xe nâng... Cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 40.000DWT giảm tải, tàu khách có chiều dài 240m. Bên cạnh đó, cảng có tổng diện tích kho bãi 80.000m2, gồm: kho bảo quản hàng hóa có diện tích 18.500m2, bãi chứa hàng hóa 44.000m2 và bãi tập kết container 20.000m2.
Theo phương án được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi chuyển giao, Cảng Nha Trang sẽ được triển khai đầu tư bến khách thành bến cho tàu 100.000GRT, đầu tư bến du thuyền để phục vụ khách nhằm đảm bảo tiếp nhận lượng khách đến Nha Trang từ tàu biển khoảng 300.000 lượt khách/năm giai đoạn 2016 - 2020. Trước mắt, trong năm 2015, Cảng Nha Trang đặt mục tiêu đón tối thiểu 150.000 lượt khách đến Nha Trang bằng đường biển.
Trong thời gian đầu được chuyển giao, Cảng Nha Trang sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức và tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh theo nghị quyết đại hội cổ đông đã thông qua, chuyển dần sang làm hàng sạch. Cụ thể, từ năm 2015, Cảng Nha Trang sẽ triển khai đề án chuyển đổi công năng cảng, giảm tối đa sản lượng hàng hóa thông qua cảng, trước tiên là các loại hàng hóa gây ảnh hưởng đến môi trường như: xi măng, sắn lát, gỗ dăm...; đồng thời chuyển sang khai thác ở mức độ thấp các loại hàng sạch và hàng container. Phấn đấu trong năm 2015, lượng hàng thông qua Cảng Nha Trang ở mức không quá 0,5 triệu tấn hàng sạch.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển giao Cảng Nha Trang cho tỉnh Khánh Hòa. Sau khi được chuyển giao, Cảng Nha Trang sẽ được mở rộng, phát triển thành cảng du lịch quốc tế hiện đại. |
Dự kiến sau năm 2015, UBND tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch lại Cảng Nha Trang theo hướng mở rộng vùng nước về phía Bắc, từ vùng nước hiện hữu đến vùng nước tại cầu cảng của Vinpearl; đồng thời sắp xếp lại vị trí bến khách quốc tế, bến khách nội địa, bến du thuyền và các bến khách chuyên dùng.
Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2014 - 2015, UBND tỉnh sẽ xây dựng đề án phát triển hướng đến cảng đầu mối du lịch quốc tế hiện đại với lộ trình cụ thể đến năm 2015 sẽ kết thúc hoàn toàn việc vận chuyển hàng hóa qua cảng. Cụ thể, Cảng Nha Trang sẽ tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư bến tàu khách, bến du thuyền, khu vực dịch vụ đón tàu du lịch quốc tế, khách truyền thống nội địa tại cảng. Ngoài ra, sẽ chuyển đổi công năng kho Bình Tân sang đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải và du lịch, như: xây dựng khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ lữ hành, dịch vụ tài chính... phù hợp với xu hướng phát triển để thu hút các hãng lữ hành cũng như đại lý tàu.
VĂN KỲ