Mua bán tour du lịch ngay trên vỉa hè. |
Khó kiểm soát
Đến khu phố Tây ở TP. Nha Trang, chúng tôi thấy một hình ảnh khá phổ biến là những chiếc bàn nhỏ được đặt ngay vỉa hè với những tấm bảng hiệu ghi bằng chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Nga. Trên mặt bàn là những tập tờ rơi giới thiệu các tour du lịch (DL) bằng tiếng nước ngoài, bảng giá tour bằng ngoại tệ, và những người nước ngoài trực tiếp bán tour.
Tại văn phòng của một công ty DL trên đường Hùng Vương (đoạn gần khách sạn Galina), chúng tôi thấy phía trước đặt một chiếc bàn như thế và chủ nhân là 1 phụ nữ Nga. Khi chúng tôi hỏi nhân viên của công ty DL này thì được biết, cách đây khoảng 4 tháng, người phụ nữ này đến đặt vấn đề với lãnh đạo công ty cho đặt chiếc bàn ở đó, mỗi tháng trả cho công ty 3 triệu đồng. Thấy chúng tôi để ý, người phụ nữ Nga vội thu dọn bàn, nhưng khoảng 30 phút sau, khi quay lại, chúng tôi thấy người này lại tiếp tục bày bàn ra hoạt động.
Tại một địa điểm khác trên đường Biệt Thự (đoạn gần ngã tư Biệt Thự - Nguyễn Thiện Thuật), chúng tôi chứng kiến 2 người đàn ông nước ngoài đang thỏa thuận với nhau về việc mua tour. Lúc người khách rút tiền ra trả, thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên, người đàn ông bán tour vội ra hiệu cho khách cất tiền. Có trường hợp người bán tour thậm chí không cần bàn. Chiêu thức của họ là đứng gần văn phòng của công ty DL nào đó và cầm các tập tài liệu giới thiệu tour cho khách qua đường. Khách nào đồng ý mua tour thì ngồi tạm trong văn phòng đó để thỏa thuận thời gian, địa điểm và trao tiền. Không chỉ người nước ngoài mà nhiều người Việt Nam cũng áp dụng phương thức này. Tùy theo đối tượng khách, họ sẽ để những biển hiệu bằng tiếng Anh hay tiếng Nga. Đặc điểm chung của loại hình kinh doanh này là người bán thường chọn những văn phòng DL hay các khách sạn để đặt bàn bán tour. Đối tượng khách của họ chủ yếu là người nước ngoài, nhất là khách Nga.
Nhiều người Việt Nam cũng thực hiện cách thức bán tour gọn nhẹ ít chi phí |
Theo Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), thời gian qua, tình trạng “người người bán tour” diễn ra tràn lan. Những tour DL được bán theo dạng này rất khó kiểm soát về chất lượng, giá cả cũng như gây thất thu cho ngân sách Nhà nước vì họ không đóng thuế. “Thanh tra Sở đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nhưng số lượng người bán tour quá đông, hoạt động không ổn định nên xử lý không hết. Có trường hợp hôm nay xử phạt chỗ này, ngày mai họ qua chỗ khác hoạt động”, một lãnh đạo Thanh tra Sở VH-TT-DL cho biết.
Giá tour vô chừng
Bên cạnh việc bán tour lưu động để lại nhiều dấu hỏi về uy tín, thương hiệu DL Nha Trang - Khánh Hòa, một vấn đề khác cũng cần được quan tâm, đó là việc giá tour vô chừng và thiếu sự nhất quán giữa các doanh nghiệp (DN). Điều này vô hình trung dẫn tới chuyện cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Sự việc Công ty Anex Việt Nam gửi thông tin, hình ảnh “tố” 4 DN lữ hành khác có những biểu hiện phá giá tour lên UBND tỉnh là điều đáng lưu tâm. Theo ông Nguyễn Ngọc Lương, Giám đốc Kinh doanh Công ty Anex Việt Nam, trong bối cảnh thị trường khách Nga gặp nhiều khó khăn, Anex Việt Nam vẫn cố gắng duy trì lượng khách Nga đều đặn đến Nha Trang. Để làm được điều đó, DN đã phải bù lỗ việc vận chuyển hàng không, khách sạn lưu trú. “Điều chúng tôi mong muốn là được chăm sóc tốt cho khách hàng và tổ chức các tour tại chỗ để có thể bù phần nào chi phí vận hành. Thế nhưng, việc cạnh tranh không lành mạnh đã gây khó khăn cho hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi làm đơn kiến nghị UBND tỉnh cũng nhằm đảm bảo quyền bình đẳng trong kinh doanh”, ông Lương cho biết.
Thực tế, nếu so sánh giá tour giữa những DN lữ hành lớn như Anex Việt Nam với những DN lữ hành khác thì có sự chênh lệch khá lớn. Giải thích cho điều này, bên nào cũng có cái lý của mình. Còn với du khách, DN nào có giá phù hợp với điều kiện tài chính thì họ sẽ ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, liệu chất lượng tour có được đảm bảo? “Đây là những biểu hiện cần tránh trong hoạt động kinh doanh DL. Các DN phải cùng nhau thống nhất giá cả thì mới đảm bảo được chất lượng phục vụ. Với những DN cố tình vi phạm, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DL tỉnh cho biết. Trong khi đó, một lãnh đạo Sở VH-TT-DL cho rằng, trong hoạt động kinh doanh lữ hành, điều quan trọng là mang tới sự hài lòng cho du khách. Vì thế, nếu cùng một loại hình tour, DN nào đưa giá cao khách sẽ ít lựa chọn, còn DN đưa giá thấp chất lượng tour sẽ không đảm bảo. “Đây là chuyện các DN cần bàn bạc với nhau, tỉnh không can thiệp”, lãnh đạo này chia sẻ.
Đụng đâu sai đó
Thống kê chưa đầy đủ của Sở VH-TT-DL, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có 241 đơn vị lữ hành có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó, 34 đơn vị có giấy phép lữ hành quốc tế và 6 chi nhánh lữ hành quốc tế. Chưa kể một số khách sạn từ 3 đến 5 sao có đăng ký hoạt động lữ hành và làm đại lý cho các đơn vị lữ hành. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Thanh tra Sở đã cùng với các cơ quan chức năng tổ chức 3 đợt kiểm tra liên ngành đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn TP. Nha Trang. Qua kiểm tra 49 đơn vị, đoàn phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 174 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh đối với 3 người nước ngoài. Một chi tiết đáng quan tâm, trong các đợt kiểm tra vào cuối năm 2014, ở 34 DN lữ hành thì chỉ 5 đơn vị có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế, còn lại chưa có giấy phép lữ hành quốc tế nhưng vẫn bán tour cho khách nước ngoài.
Ngày 24-3, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với đại diện các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động của các công ty lữ hành. Ông Trần Sơn Hải chỉ đạo: Trước mắt, Sở VH-TT-DL cần làm việc với các DN kinh doanh lữ hành trên địa bàn để phổ biến, hướng dẫn các văn bản về hoạt động lữ hành; rà soát các vấn đề bất cập trong công tác quản lý để có hướng giải quyết kịp thời. Các địa bàn có các sai phạm nên chủ trì phối hợp chấn chỉnh. Trong quá trình kiểm tra phải truy cho được DN Việt Nam đứng sau để thuê người nước ngoài bán tour… |
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của nhiều DN còn bộc lộ những sai phạm khác như: quảng cáo, giới thiệu chương trình tour bằng tiếng nước ngoài (nhất là tiếng Nga); việc niêm yết giá và bán chương trình tour bằng ngoại tệ; kinh doanh đại lý lữ hành nhưng không có hợp đồng đại lý lữ hành; không thông báo thời điểm hoạt động của đơn vị, chi nhánh lữ hành; kinh doanh không đúng địa điểm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không báo cáo kết quả kinh doanh cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Có DN sử dụng người nước ngoài mà không có đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động hành nghề DL hoặc chưa có giấy phép lao động người nước ngoài nhưng vẫn nhận vào làm việc…
Theo ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở VH-TT-DL, để chấn chỉnh tình trạng bán tour trái phép như trên, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc kiểm tra nhằm ổn định thị trường DL của tỉnh một cách bền vững. Đồng thời, đề nghị UBND TP. Nha Trang chỉ đạo các địa phương có điểm đặt bàn bán tour tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục.
NHÂN TÂM