Đã điều chỉnh một số hạng mục
Trước khi UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép cho Dự án Phát triển bãi biển Phoenix, các chuyên gia của Hội đồng di sản quốc gia đã đến Nha Trang để khảo sát vào làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này.
Trong văn bản ngày 27-6-2014 gửi Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng di sản quốc gia có phân tích: “Dự án này nằm ở phía nam cầu Trần Phú, bên bờ cửa sông Cái, bên cạnh Công viên Yersin. Khu vực này không có bãi tắm, có nhiều đá ngầm và san hô chết, khi thủy triều xuống để lại nhiều rong rêu, rác thải sinh hoạt từ cửa sông Cái gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Đây là vị trí phù hợp xây dựng công trình để khắc phục những tồn tại nêu trên. Nếu có phương án kiến trúc quy hoạch hợp lý, sáng tạo, độc đáo có thể tạo dựng được điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan cửa sông Cái, không chỉ cho bờ vịnh Nha Trang mà còn cho cả khu dân cư phía tây đường Trần Phú”.
Theo Hội đồng di sản quốc gia, Dự án Phát triển bãi biển Phoenix gồm 3 hạng mục công trình: Khu cao ốc - vườn Phoenix, Khách sạn Waterfall và Khu dịch vụ du lịch, Trung tâm đại dương. Như vậy tổng thể có 56 hạng mục nhỏ bao gồm cả khu vực mặt đất, khu vực ngầm dưới mặt đất và khu vực xây dựng trên mặt nước trải dài hàng cây số trên bờ vịnh Nha Trang. Việc đầu tư xây dựng, thực hiện các dự án trong khu vực vịnh Nha Trang cần được tính toán kỹ lưỡng, vừa góp phần tôn tạo cảnh quan nhưng không ảnh hưởng đến hệ thống giá trị vốn có của di sản này. Bởi lẽ danh thắng Vịnh Nha Trang được tạo nên bởi một hệ thống giá trị về cảnh quan tự nhiên, khoa học và thẩm mỹ nên cần được bảo tồn, khai thác hợp lý, phát huy tối đa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Từ quan điểm trên, Đoàn công tác đã đề nghị UBND tỉnh không xây dựng 5 đơn nguyên Trung tâm đại dương và các công trình nhỏ lẻ dọc bãi biển đường Trần Phú thuộc Dự án Phát triển bãi biển Phoenix. Cần cân nhắc điều chỉnh vị trí xây dựng, quy mô mặt bằng, chiều cao các công trình, giảm bớt diện tích lấn biển. Đoàn công tác cũng đã đề nghị chỉ xây dựng 1 khối tháp cao khoảng 40 tầng thuộc dự án Phoenix và đã được UBND tỉnh đồng ý. Bên cạnh đó, đoàn cũng đề nghị giảm bớt và tiến tới quy hoạch tập trung các công trình nhỏ lẻ trong phạm vi dải đất ven biển để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang công viên. Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng cần phải gắn kết dự án với khu đô thị phía tây đường Trần Phú.
Nên lắng nghe các góp ý
Hội đồng di sản quốc gia nhất trí với chủ trương của UBND tỉnh về dự án này. Tuy nhiên cơ quan này đề nghị UBND tỉnh phải nghiên cứu một cách kỹ càng, khoa học để có phương án kiến trúc phù hợp, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bởi “đây là khu vực nhạy cảm”. Hội đồng đề nghị UBND tỉnh làm việc với chủ đầu tư nên có hình thức thi ý tưởng quy hoạch kiến trúc để các nhà khoa học, nhà chuyên môn và nhân dân đóng góp ý kiến nhằm lựa chọn phương án tốt nhất. “Cần có giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ và ảnh hưởng qua lại giữa Công viên Yersin với khu vực của dự án. Hạn chế thấp nhất việc san ủi lấn biển. Các công trình kiến trúc ở đây phải đẹp, thanh thoát, độc đáo, là điểm nhấn kiến trúc cảnh quan vịnh Nha Trang, không che khuất tầm nhìn ra biển. Công trình Vườn Phoenix ở ngay cạnh Công viên Yersin không nên xây cao tầng. Nên ứng dụng kỹ thuật hiện đại đóng cọc, phía dưới vẫn là biển để tái tạo hệ sinh thái ven biển và áp dụng giải pháp xây dựng công trình này theo hướng “kiến trúc xanh”, thân thiện với môi trường, theo kiểu kiến trúc vườn treo”, Hội đồng yêu cầu.
Các dự án phía đông đường Trần Phú nói chung và Dự án Phát triển bãi biển Phoenix cần nghiên cứu kỹ phương án kiến trúc |
Văn bản ngày 29-7-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi UBND tỉnh cũng đồng ý về mặt chủ trương để tỉnh triển khai thủ tục thực hiện Dự án Phát triển bãi biển Phoenix. Tuy nhiên Bộ lưu ý tính toán vị trí xây dựng các cao ốc đảm bảo giữ gìn giá trị thẩm mỹ của vịnh Nha Trang. Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng di sản quốc gia.
Dewan sẽ giúp một số công trình công cộng
Ông Bùi Mau - Chủ tịch Câu lạc bộ Vịnh đẹp Nha Trang: Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Công viên phía đông đường Trần Phú là một đường nét tôn vinh vẻ đẹp của vịnh không thể thiếu. Thế nhưng, trên dọc công viên này, các nhà hàng giải trí như: E-land Four Seasons, Sailing Club, Louisiane, Resort Ana Mandara đã làm đứt quãng đường nét đẹp ấy (che chắn tầm nhìn từ đường Trần Phú ra biển và theo chiều dọc của công viên). Đề nghị chính quyền các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng cho tháo dỡ tường che chắn các nhà hàng trên để trả lại vẻ đẹp của vịnh Nha Trang. |
Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngoài các công trình đối diện Nhà khách T78, Công ty Dewan còn muốn làm một số dự án công cộng dọc công viên bờ biển Trần Phú như: nhà vệ sinh, đường đi bộ, một số các dịch vụ thể thao giải trí, bãi đỗ xe công cộng, các điểm cung cấp nước sạch... Sau khi xây dựng xong, Công ty sẽ bàn giao lại cho tỉnh quản lý, phục vụ miễn phí cho người dân và du khách. Ngoài ra họ còn tài trợ tiền để duy trì các công trình đó.
Đổi lại, dưới mặt đất, Công ty Dewan sẽ làm một số dự án ngầm để kinh doanh. Cụ thể, ở khu vực Quảng trường 2-4 sẽ làm một nhà hàng phía dưới để kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Trước Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú) sẽ làm đường giao thông ngầm. Đối diện Công an tỉnh sẽ làm công trình ngầm và ở trên là đài phun nước, trồng cây. Tại Sân bóng Thanh niên sẽ làm khách sạn ngầm và ở trên làm công viên vui chơi công cộng. “Công ty Dewan chỉ làm công trình ngầm ở những nơi mà trên mặt đất không có cây lớn. Đây cũng là chủ trương của tỉnh, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Họ có nhã ý muốn làm cho TP. Nha Trang đẹp hơn. Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là ý tưởng của họ”, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng cho biết.
VĂN KỲ